Truyền thông hưởng ứng Lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp năm 2023

Hiện nay tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của TP.HCM đến cuối năm 2022 là 0,72%, tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0,72%. Nhìn chung, quy mô dân số thành phố tăng chậm, hiện toàn thành phố có 9.389.717 người.

Riêng mức sinh của TP.HCM hiện ở mức rất thấp. Năm 2022 số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1.39 con/người. Số liệu này cho thấy mức sinh của TP.HCM tiếp tục suy giảm. So với năm trước đó, năm 2021 là 1,48 và năm 2020 là 1,53.

Những năm qua, thành phố luôn nằm trong nhóm những tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Đặc biệt, hơn 20 năm qua, tỷ suất sinh của thành phố đều thấp hơn mức sinh thay thế mà Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên một mẹ).

Nguyên nhân khiến phụ nữ sinh đẻ  ít

Áp lực kinh tế, công việc bận rộn… là những lý do khiến không ít phụ nữ tại TPHCM ngại sinh con thứ 2. Theo số liệu của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm. Nếu như năm 2000, tỷ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2022, con số này chỉ còn 1,39. Một trong những nguyên nhân chính là kết hôn muộn trở thành xu thế của người trẻ hiện đại, khiến cho tỷ lệ sinh đẻ giảm. Cùng với đó, việc nuôi dạy và chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí, dẫn đến tâm lý sinh con ít để con được sống trong môi trường đầy đủ về vật chất và tinh thần nhất. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa gây khó khăn trong việc tìm việc làm, nhà ở, sinh hoạt…, trong khi chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến khi trưởng thành rất cao khiến nhiều cặp vợ chồng ngại sinh thêm con.

Hệ lụy của việc phụ nữ không sinh đủ 02 con

Xu hướng phụ nữ sinh đẻ ít khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai trở nên hiện hữu. Căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số, tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại TPHCM. Thực tế, thành phố đang bước sang giai đoạn già hóa dân số với chỉ số là 49,4%, cao hơn so với cả nước (48,8%), trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số. Mặt khác, về mặt xã hội, hiện nhiều gia đình lựa chọn chỉ sinh 1 con theo công thức 4-2-1, nghĩa là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ sẽ chăm sóc một đứa trẻ thì trong tương lai, đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội ngoại theo chiều hướng đảo ngược 1-2-4.

Mức sinh thấp kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra những bất lợi do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh.

Vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số tác động trực tiếp đến “số lượng dân số”, làm suy giảm nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp của thành phố, thông qua Chiến dịch này, ngành y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Việc sinh đủ hai con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của Thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

Bình luận

LIÊN KẾT

return to top