Tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống bệnh AIDS

Sau hơn 30 năm kể từ khi có bằng chứng lâm sàng đầu tiên về hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải được báo cáo, hơn 60 triệu người đã bị nhiễm vi rút và gần 30 triệu người đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến HIV/AIDS đã trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ sáu trên toàn thế giới. Do đó ngày 1 tháng 12 hàng năm được quốc tế chọn là Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day).

Tại thành phố Hồ Chí Minh trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12 năm 1990. Dịch HIV/AIDS bắt đầu bùng nổ từ năm 1993 trong nhóm những người nghiện chích ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó dịch bắt đầu lan ra các tỉnh. Đến cuối tháng 12/1998, toàn bộ 61 tỉnh, thành trong cả nước đều đã phát hiện có người bị nhiễm HIV. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh HIV/AIDS, Việt Nam chọn tháng 12 hàng năm là tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, kêu gọi các quốc gia toàn thế giới trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS.

 

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Trong những năm qua, với sự nỗ lực chung tay của cả hệ thống chính trị, TP đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS về mặt chuyên môn y tế và về mặt xã hội. Nhờ đó, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn TP từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm.

Tuy nhiên, hiên nay, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp. HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm. Đồng thời trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế đang bị cắt giảm thì việc giữ vững thành quả phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được, cũng như hoàn thành mục tiêu 95 – 95 – 95 (95% số người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình; 95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV; 95% số người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2025 hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức đối với TP.

Với chủ đề năm 2023″ Cộng đồng sáng tạo – quyết tâm chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030″,  TPHCM phát động Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại TP và kêu gọi toàn thể cộng đồng, xã hội cùng hưởng ứng và chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại TP. TPHCM khuyến khích các giải pháp đột phá, sáng kiến cải tiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS để triển khai hiệu quả nhiều hoạt động. Đồng thời kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng chống HIV/AIDS; cả cộng đồng phải có ý thức phòng, chống thì mới có thể đẩy lùi dịch HIV/AIDS; các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ TPHCM thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS để hướng đến kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Bình luận

LIÊN KẾT

return to top