Một trong những đặc điểm của dân số nước ta khoảng mười năm nay là tình trạng mất cân bằng giới tính của trẻ em khi được sinh ra , thường gọi là “ mất cân bằng giới tính khi sinh “. Nếu xu hướng này không được điều chỉnh, đến năm 2050, trong số dân ở độ tuổi kết hôn, số lượng nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng 4,3 triệu người.
Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 đến 106 bé trai. Trước đây, nói chung hằng năm, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. Tuy nhiên, năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra, chính thức được xác định là mất cân bằng giới tính khi sinh ( MCBGTKS ) và từ đó con số này cứ tăng dần, đến năm 2016 đã là 112,2 bé trai, thậm chí ở đồng bằng Sông Hồng, con số này lên đến 118.
Nguyên nhân của việc mất cân bằng giới tính khi sinh
Trước hết, cần nhận thấy rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán tạo nên khát vọng phải có con trai. Điều này gây ra áp lực không chỉ đối với mỗi đôi vợ chồng mà còn là áp lực đối với gia đình, dòng họ. Mặt khác, cha mẹ thường không có tiết kiệm dành cho tuổi già, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển cho nên khi hết khả năng lao động, chủ yếu cuộc sống dựa vào con, nhất là con trai. Bối cảnh nêu trên dẫn tới nảy sinh tâm lý cần có con trai giúp đỡ trong lao động, sinh hoạt, an sinh cho tuổi già. Đây chính là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến MCBGTKS. Nhu cầu có con trai có từ xa xưa, nhưng chỉ đến ngày nay, việc lạm dụng những thành tựu của khoa học và kỹ thuật cho phép con người chủ động trong sinh sản cũng là nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS.
Có ý kiến cho rằng, trước đây, sinh nhiều con cho nên vừa đáp ứng được nhu cầu có con trai, vừa cân bằng giới tính một cách tự nhiên. Nay chỉ sinh đủ 02 con cho nên khả năng có được con trai giảm đi, vậy nên phải chủ động lựa chọn giới tính thai nhi. Không phải ngẫu nhiên, việc xuất hiện MCBGTKS ở nước ta diễn ra khi mức sinh thấp. Trong khi tại các nước Châu Âu, các nước phát triển, tỷ lệ sinh đẻ ít nhưng không có tình trạng này.
Hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh:
– Trước hết, hôn nhân “ một vợ , một chồng”, nhưng nam nhiều hơn nữ thì đương nhiên, hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân; cấu trúc vợ – chồng, cha mẹ – con cái bị phá vỡ.
– Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng lên, nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trong đó có HIV/AIDS …
– Sự khan hiếm phụ nữ cũng dẫn đến việc tranh giành trong hôn nhân, dễ gây xung đột, thậm chí đã xảy ra một số vụ án mạng. Nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, đã xảy ra và có thể tăng lên. Phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, phá thai nhi gái, bất chấp sức khỏe và tính mạng, bị ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai.
– Sinh nhiều bé trai, ít bé gái thì khi lớn lên, lao động nữ khan hiếm, ngành sử dụng lao động nữ có nguy cơ khó tuyển dụng lao động và ngược lại, lao động nam nhiều, cho nên nam giới sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường lao động.
Giải pháp hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh
Chính vì những hậu quả kinh tế, xã hội nặng nề của MCBGTKS cho nên Nghị quyết số 21 của Hội nghị T.Ư 6 ( khóa XII) về “ Công tác dân số trong tình hình mới “ đã đề ra mục tiêu “ Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, trước hết “ Đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai / 100 bé gái sinh ra sống”.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền , giáo dục để nâng cao nhận thức đầy đủ hiểm họa của MCBGTKS. Tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số không chỉ cho người dân mà còn cả cho đội ngũ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ, nghiêm cấm “ Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Hơn nữa, cần phê phán mạnh mẽ những hủ tục, những nhận thức, những hành vi và thái độ biểu hiện trọng nam; tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới; về hậu quả của lựa chọn giới tính thai nhi; nêu gương phụ nữ, gia đình có con gái thành đạt, hạnh phúc.