THỰC TRẠNG GIÀ HÓA DÂN SỐ
Theo Liên hợp quốc, nếu một quốc gia có tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt tới 10% tổng dân số thì quốc gia đó được coi là bắt đầu bước vào quá trình già hoá; từ 20% đến dưới 30% thì gọi là “dân số già”; từ 30% đến dưới 35% thì gọi là dân số “rất già”; từ 35% trở lên gọi là “siêu già”.
Việt Nam nói chung đang là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, điều này khiến chúng ta có thể phải đối mặt với nhiều thách thức như các vấn đề về dân sinh, phúc lợi cho người cao tuổi, các vấn đề về di cư…
Già hóa dân số là một thành tựu xã hội to lớn của loài người và của mỗi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, điều này sẽ làm cho gánh nặng kinh tế và xã hội tại các nước trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống… đặt ra yêu cầu, thách thức là cần phải xây dựng một xã hội thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số” của đất nước.
Tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM nói riêng cao và mức chết thấp cũng góp phần dẫn đến tình trạng dân số TP.HCM đang già đi. “Thống kê cho thấy năm 2022, mức sinh trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM là 1,39 con, trong khi cả nước là 2,01 con; tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM năm 2022 là 76,30; trong khi cả nước là 73,60”
Kết quả thống kê cho thấy tỉ lệ người trên 60 tuổi ở TP.HCM tăng với tốc độ khá nhanh. Năm 2019, 2020 và 2021, tỉ lệ người già trên 60 tuổi ở TP.HCM lần lượt là 9,30%, 10,78% và 10,71%. Tuy nhiên, đến năm 2022, con số đó tăng lên 11,03% (1.033.355 người).
Theo mô hình chuyển đổi dân số, người trên 60 tuổi dao động 10%-20% là dân số đang già (hoặc già hóa dân số), vượt qua 20% là dân số già. “Căn cứ số liệu thống kê nói trên, có thể khẳng định TP.HCM đang bước vào giai đoạn dân số đang già”
THÁCH THỨC TRƯỚC VẤN ĐỀ GIÀ HÓA DÂN SỐ
Già hóa dân số có tác động ngày càng mạnh đối với phát triển kinh tế xã hội ở nước ta cả trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trong ngắn hạn, già hóa dân số ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động, và từ đó, đến tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra các tác động đa chiều, nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và cả văn hóa. So với nhiều nước trên thế giới, già hóa dân số ở nước ta gây ra nhiều thách thức cần phải giải quyết:
– Suy giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Tăng nhanh dân số già đồng nghĩa với suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, dẫn đến giảm tăng trưởng vốn, kìm hãm tăng năng suất lao động, nhất là năng suất các nhân tố tổng hợp;
– Đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi, sự gia tăng nghèo và bất bình đẳng trong xã hội; Sức ép đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống y tế;
– Sức ép đối với tài chính công với những áp lực về đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi) và lương hưu, trợ cấp cho người cao tuổi, chi tiêu công sẽ buộc phải tăng lên;
– Những thách thức về xã hội như đảm bảo đời sống văn hóa và tinh thần cho người cao tuổi, điều chỉnh thị trường lao động-việc làm, giải quyết mâu thuẫn và xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già…
Người cao tuổi ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vẫn chủ yếu là lớp người thuộc thời kỳ chiến tranh, sống ở nông thôn, nghèo khó nên sức khỏe yếu, đời sống nhìn chung còn nhiều khó khăn, bất cập. Những vấn đề rất đáng quan tâm đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, đó là:
– Sức khỏe người cao tuổi yếu và có nhiều vấn đề cần giải quyết. Mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta (giai đoạn sống tích cực) lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y… Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh.
– Hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Nguồn vốn ngân sách nhà nước vốn đã eo hẹp của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư cho công tác chăm sóc y tế cho người cao tuổi.
– Hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi. Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
– Thu nhập của người cao tuổi thấp, không ổn định, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Phần lớn người cao tuổi không có bảo hiểm xã hội. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.