Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Di sản Văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Tháng 12/1993, quần thể di tích Cố đô Huế là di sản Việt Nam đầu tiên được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Cho tới nay nước ta đã có trên 20 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên được nhận vinh dự đó.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản Văn hóa đã được thực hiện từ lâu, ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” – Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn Di sản Văn hóa dân tộc.
Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như: Khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”; Đông Phương Bác cổ Học viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, nhưng súc tích, ra đời đã 71 năm nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn Di sản Văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa của đất nước.
Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới; ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ – TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Theo đó, việc tổ chức ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Văn hóa – Thông tin nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng. Bên cạnh đó việc tuyên truyền ngày Di sản Văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trước đó năm 2001, Luật Di sản Văn hóa ra đời, là căn cứ pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và khẳng định: Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, các nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa.
Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước có đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới, ngày 19 tháng 11 năm 2013 Việt Nam đã chính thức được Đại hội đồng lần thứ 19 các quốc gia thành viên Công ước về bảo vệ Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới (gồm 160 nước) bỏ phiếu tín nhiệm, bầu là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới ./. BBT