HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN LUẬT CĂN CƯỚC; LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Ngày 14/03/2024, UBND Phường 7, quận Gò Vấp phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn Thanh niên phường tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

– Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Tuyết Hằng – Phó Chủ tịch UBND phường; báo cáo viên là Ông Bùi Thái Đức – Cán bộ Phòng PV05 CA TPHCM cùng 150 ông bà là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban điều hành 11 Khu phố, 86 Tổ dân phố; thành viên các ban ngành, đoàn thể, của Khu phố, Tổ dân phố; Tuyên truyền viên pháp luật; Tổ hòa giải viên của phường và người dân tham dự.

– Tại buổi tuyên truyền ông Bùi Thái Đức đã giới thiệu cho người dân biết về những điểm mới và mục đích của Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi được ban hành. Cụ thể:

* Luật Căn cước số 26/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Căn cước gồm 07 chương, 46 điều. Luật Căn cước sửa đổi nhằm mục đích: Một là, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động… để phục vụ người dân, doanh nghiệp bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Hai là, phục vụ phát triển kinh tế – xã hộiBa là, phục vụ công dân số trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật. Bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Năm là, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. 

Luật Căn cước không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế – xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án số 06 Chính phủ đang triển khai thực hiện.

* Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Theo đó, Luật này đã quy định cụ thể về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gồm những nhiệm vụ lớn như: Nhiệm vụ hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở và nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là dự án luật có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, củng cố các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Bùi Thái Đức – Cán bộ Phòng PV05 CA TPHCM – Báo cáo viên tại hội nghị

 

Bình luận

LIÊN KẾT

return to top