Ngày 11-7 được lựa chọn là Ngày Dân số thế giới nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về các vấn đề dân số.
Vào lúc 6 giờ 35 phút (theo giờ tại Anh), ngày 11/7/1987, một cậu bé người Nam Tư có tên là Matej Gašpar chào đời tại Zagreb (nay là Thủ đô của Croatia) và đã trở thành công dân thứ 5 tỷ của thế giới. Tại thời điểm đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức lễ kỷ niệm. Theo quan niệm của họ, đây là sự kiện quan trọng đặc biệt đánh dấu chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực đã kìm hãm sự sinh trưởng trong lịch sử của nhân loại.
Tuy nhiên họ cũng nhận thức được rằng, với dân số 5 tỷ dân lúc đó, các mối họa lớn sẽ xảy ra do sự bùng nổ dân số. Chính vì vậy, cột mốc này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh và nhắc nhở mọi người trên trái đất về sự cạn kiệt tài nguyên, sự ô nhiễm môi trường, sự mất cân bằng sinh thái và sự bất bình đẳng giữa quyền con người.
Ngày 11/7 hằng năm là nhắc nhở về nguy cơ của bùng nổ dân số
Trước những hiểm họa mà bùng nổ dân số có thể gây ra, diễn đàn dân số thế giới do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA – United Nations Population Fund) đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về dân số tại Amsterdam, Hà Lan vào tháng 11 năm 1989. Hội nghị quyết định lấy ngày sinh của cậu bé Matej Gašpar là ngày 11/7 làm ngày Dân số thế giới. Kể từ đó, ngày 11/7 hằng năm là ngày nhắc nhở mỗi quốc gia và mỗi người trên trái đất về nguy cơ của bùng nổ dân số. Đây là nguyên nhân hạn chế các quyền cơ bản (học hành, việc làm, dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe…). Bùng nổ dân số quá nhanh khiến đời sống con người gặp nhiều khó khăn. Nó cũng là căn nguyên khởi sinh nhiều vấn đề của xã hội, kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia cần tự liên hệ tình hình dân số của mình để vạch ra được những kế hoạch, hướng đi phù hợp, kịp thời. Từ đó triển khai những biện pháp, chính sách đúng đắn góp phần làm giảm sự gia tăng dân số. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.